Du lịch Crete – Hy Lạp mùa COVID
Cuối tháng 7/2020, chúng mình có chuyến du lịch đầu tiên sau khi đại dịch COVID-19 nổ ra và đảo lộn thế giới. Chúng mình đã rất cân nhắc điểm đến: miền Nam nước Pháp hay về Thụy Điển? Thổ Nhĩ Kỳ, Sicily nước Ý hay đơn giản là nằm vùng đợi về Việt Nam? Cuối cùng, chúng mình chọn đi đảo Crete của Hy Lạp. Và chính trong chuyến đi này, chúng mình mới thực sự hiểu thế nào là “trạng thái bình thường mới”. Xin mời bạn tham khảo trải nghiệm du lịch Crete – Hy Lạp mùa COVID của chúng mình.
Đây sẽ là một bài viết du lịch đặc biệt. Mình không tập trung đưa ra lời khuyên du lịch Hy Lạp. Bạn có thể đọc lại post cũ của mình về Hy Lạp.

Mình sẽ tập trung trả lời các câu hỏi sau:
- Vì sao du lịch Crete – Hy Lạp mùa COVID?
- Tình trạng bình thường mới khi di du lịch Hy Lạp là gì?
- Các tip du lịch Crete – Hy Lạp mùa COVID
- Lịch trình lý tưởng tránh đám đông để tận hưởng chuyến đi mùa COVID?
Vậy vì sao chúng mình chọn du lịch Crete – Hy Lạp trong mùa COVID?
Du lịch mùa COVID bạn chắc sẽ lo hai vấn đề khi đi du lịch: an toàn của mình và nguy cơ bị kẹt lại, không về nước được.
- Hy Lạp vẫn trong liên minh Châu Âu. Từ giữa tháng 6/2020, Hy Lạp đã mở cửa cho các nước liên minh Châu Âu vào Hy Lạp. Và nếu có bị tắc ở lại, chúng mình cũng sẽ không gặp vấn đề về visa. Đây cũng chính là lý do chúng mình đã quyết định không đi Thổ Nhĩ Kỳ hay về Việt Nam từ giờ đến đầu năm sau.
- Hy Lạp là một trong 10 nước có số lượng người mắc bệnh thấp nhất Châu Âu.
Một mùa Hè rất khác trên đảo Crete
Mình đã đến Hy Lạp hai lần trước đó. Năm ngoái, cũng chính ở Crete, mình chứng kiến một hòn đảo du lịch tập nập, vui tươi. Các hàng ăn tấp nập, các khách sạn có giá cao ngất ngưởng. Từng đoàn khách All Inclusive đổ xuống sân bay rồi chia về các thành phố trên đảo. Những bãi biển cũng đông khách du lịch. Tuy thư thái hơn Santorini nhưng Crete vẫn sống nhờ du lịch rất nhiều.
Mùa Hè năm nay nên được đặt tên là mùa COVID. Chào đón mình là một hòn đảo yên ắng, ít hẳn những chuyến xe du lịch. Sân bay chỉ có vài chuyến bay và chủ yếu là các chuyến bay từ Đức. Các khách sạn cũng khá im lìm. Nhiều nhà hàng, khách sạn còn phải đóng cửa hẳn.
“Khác hẳn năm ngoái!” là lời nhận xét của hầu hết các quản lý khách sạn hay nhà hàng mình hỏi chuyện.
Dưới những dàn hoa giấy, Rethymno êm ả như thể cả thành phố đang tận hưởng một giấc ngủ trưa…


Vậy du lịch Hy Lạp giờ ra sao dưới trạng thái bình thường mới thời COVID?
Thế nhưng, dù thế, chúng mình vẫn lo lắm. Bạn biết đấy, kể cả khi ở Việt Nam chỉ có khoảng dưới 400 ca và chưa có ca tử vong (thời điểm giữa tháng 7/2020) thì nguy cơ bùng nổ trở lại sau kỳ nghỉ cũng thật đáng sợ. Chính vì thế, đây là lúc chúng mình phải tin và theo các biện pháp an toàn của chính quyền sở tại. Và mình nhận ra, trong ít nhất vài năm nữa, chúng ta khó mà sống thiếu được những biện pháp an toàn này. Thậm chí, một số sẽ trở thành thói quen của phần đông chúng ta.
Chúng mình bắt đầu coi đó là TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI.
Tờ khai định vị khách du lịch (The Passenger Locator Form (PLF)
Đây là tờ khai bắt buộc cho tất cả mọi hành khách nhập cảnh vào Hy Lạp từ tất cả các đường (đường không, đường bộ hay đường thủy). Tờ khai này tương tự như tờ khai y tế ở Việt Nam nhưng không có thông tin y tế. Chỉ có thông tin về điểm đến và cách thức liên lạc để cơ quan chức năng có thể truy tìm dấu vết F1, F2 như ở Việt Nam.
Tờ khai điện tử tại trang này. Sau khi bạn điền tờ khai, bạn sẽ nhận được thư xác nhận. 20 phút trước 00:00 giờ ngày bạn nhập cảnh, bạn mới nhận được mã QR. Cái này rất khác với tờ khai y tế ở Việt Nam, bạn nhận được mã QR ngay lập tức. Và mã QR này mới có giá trị nha. Bạn có thể khai một bản cho cả gia đình. Một mã QR có thể dùng cho cả gia đình.
Điều quan trọng nhất bạn cần phải nhớ là tờ khai này phải được khai trước 24 h giờ nhập cảnh. Thậm chí là 24h trước ngày nhập cảnh. Ví dụ, chúng mình nhập cảnh ngày 25/07, chúng mình NÊN khai tờ khai điện tử này muộn nhất là 00:00 ngày 24/07.
Tại sao mình lại nhắc bạn cẩn thận như thế và lại viết to chữ NÊN?
Đó thực sự là kinh nghiệm đau thương của chúng mình. Dù đã biết phải khai tờ khi này, chúng mình đã rất chủ quan. Mãi đến 11h đêm ngày 24/07 chúng mình đi mới khai. Thế là lúc này, tờ khai điện tử không cho chúng mình chọn ngày 25/07 là ngày nhập cảnh nữa. Đồng nghĩa với việc chúng mình không thể hoàn thành được tờ khai này.
Liều mạng, chúng mình khai ngày nhập cảnh là ngày 26/07. Chúng mình định bụng sẽ trình bày kể khổ tại sân bay. Liều lĩnh thế nên cả đêm đó chúng mình không ngủ được. Lo lắng, bồn chồn vì có đọc là không có mã QR sẽ bị từ chối nhập cảnh và bị phạt… EUR 500. Mình đã suýt mua lại vé ngày 26/07, hoặc dự định lang thang ở sân bay đợi đến 00:00 ngày 26/07, nhận được mã QR mới nhập cảnh. Nói chung chỉ vì chủ quan mà chuyến đi của chúng mình đã bắt đầu đầy lo âu như thế.
Tip đi du lịch mùa COVID – Bạn hãy lên trang TravelDoc để kiểm tra xem từng điểm đến có yêu cầu gì cụ thể và hoàn thành sớm nhất có thể nhé!
Xét nghiệm COVID tại sân bay? Có!
May quá là đến lúc nhập cảnh, mình chưa kịp giải thích là được đưa đi xét nghiệm COVID luôn.
Có một bàn gồm hai ba bác sỹ ngồi ngay ở sân bay để xét nghiệm ngẫu hứng. Chúng mình phát hiện ra ai không có mã QR sẽ được đưa vào hàng xét nghiệm. Xét nghiệm diễn ra nhanh chóng và kết quả sẽ có trong vòng 24h. Chúng mình được về khách sạn và nếu sau 24h có kết quả dương tính, họ sẽ thông báo và đưa chúng mình đi cách ly.
Từ 28/07, riêng hành khách bay từ Bulgaria và Romania đến Hy Lạp sẽ phải trình được kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72h trước khi nhập cảnh.
Đừng lo lắng nếu bạn là người được chọn xét nghiệm. Theo thống kê, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7, 918,032 người đã nhập cảnh vào Hy Lạp, 127,900 được xét nghiệm và 13% trong số đó là khách du lịch.
Tip du lịch mùa COVID – Các quy định thay đổi liên tục nên bạn phải thường xuyên kiểm tra nhé! Hãy nhớ: Điều duy nhất chúng ta biết chắc chắn là không có gì chắc chắn!
Cách ly, có hay không? Cũng có nhé!
Trong 24h sau khi test ở sân bay, chúng mình bị yêu cầu tự cách ly 24h tại khách sạn. Sau 24h không thấy báo kết quả gì, chúng mình lại sinh hoạt bình thường.
Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, bạn sẽ bị yêu cầu cách ly 14 ngày. Chi phí ăn ở do chính phủ Hy Lạp chi trả.
Tip du lịch mùa COVID – Hãy luôn chuẩn bị tinh thần là bạn phải ở lại lâu hơn dự kiến. Luôn đặt khách sạn có thể hủy phòng miễn phí. Đừng đặt một sự kiện gì quan trọng ngay sát ngày về dự kiến. Hãy nghĩ rằng dù sao bạn cũng nên tự cách ly sau khi về để đảm bảo an toàn cho người thân.
Đeo khẩu trang và khoảng cách, bắt buộc hay khuyến cáo?
Bắt buộc sử dụng khẩu trang trên các phương tiện công cộng, trên taxi, trong thang máy, trong bệnh viện, phòng khám, các siêu thị và các cửa hàng, ngân hàng, tiệm cắt tóc, tiệm làm đẹp và các nơi công cộng đóng kín (bảo tàng, nhà hát…)
Tip du lịch mùa COVID – Một số hãng hàng không (ví dụ như AirFrance) yêu cầu khẩu trang đẹo lên máy bay là khẩu trang y tế. Khẩu trang vải không được chấp nhận.
Khẩu trang không bị bắt buộc trong các nhà hàng, quan bar hay trên phố. Thực ra, chúng mình vẫn thấy lo vì vào mùa Hè, những nơi đó ở Hy Lạp tương đối đông người. Thế nên, dù không bắt buộc, bạn vẫn nên đeo khẩu trang và đương nhiên, giữ khoảng cách từ 1,5m trở lên.
Về khoảng cách, khác với tháng trước, tháng này mình đi, mình thấy các hãng hàng không đã rất nới lỏng về qui định khoảng cách. Máy bay đã kín chỗ (chứ không cách hàng ghế giữa như đợt trước), xe bus cũng đã kín chỗ. Thế nên, trong một số trường hợp, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc giữ khoảng cách an toàn.
Tip du lịch mùa COVID – Hãy mua vé xe bus trước trên mạng. Nhờ thế, bạn sẽ được đặt trước chỗ. Chọn chỗ sát cửa sau của xe bus. Chỗ này cách các chỗ ngồi khác một khoảng cách an toàn.
Làm sao để tránh đám đông để tận hưởng chuyến đi mùa COVID?
Sống chung với lũ, nhưng phải sống cho an toàn. Với suy nghĩ đó trong đầu, chúng mình vạch ra kế hoạch làm sao để tránh đám đông tối đa.
Thuê xe tự lái
Đây là một cách dễ dàng để bạn tránh đám đông: đi giờ bạn thích, chọn bãi biển vắng và không đi phương tiện công cộng.
Nhưng chú ý nhé, nếu bạn chọn thuê xe ô tô tự lái để di chuyển, mỗi xe không được chở quá 3 người (trừ trường hợp trẻ em là con của người trong xe).
Chúng mình thuê xe tại Minoan Rent a car (xe Fiat 500 mui trần – giá EUR200 – 5 ngày – EUR40 tiền xăng)

Lịch trình thăm quan Crete, tránh đám đông mùa COVID
- Ngày 1:
- Lịch trình của chúng mình: Hạ cánh của Heraklion, đi xe bus đến Rethymno (mua vé trước online ở đây)
- Nếu làm lại: Chúng mình sẽ thuê xe ngay từ Heraklion và lái xe đi thăm đền Knossos, rồi lái về Rethymno
- Ngày 2: Thăm quan phố cổ Rethymno, pháo đài Fortezza
- Ngày 3: Lái xe đi thăm Tu viện Arkadi. Dừng ăn trưa ở làng Eleftherna.
- Ngày 4: Lái xe từ Rethyno đi Argiroupoli, thăm Roman Mosaic Floor (sàn nhà cổ từ thời La Mã), Green Oasis – khu thác nước xanh mát. Tiếp tục lái xe đi Chania.
- Ngày 5: Lái xe từ Chania đi bãi biển hồng Elafonissi. Điều đáng chú ý là bãi biển này khi chúng mình đến không hồng như hình chút nào. Bù lại, biển cực kỳ trong và đẹp. Chúng mình thư thái ở bãi biển này nửa ngày, lái xe về trước 6h vì đường đi rất hiểm trở, lái xe khi trời tối rất nguy hiểm. Dừng ăn trưa ở làng Elos.
- Ngày 6: Dành thời gian ở phố cổ Chania rồi lái xe ra bãi biển mang tên Golden Beach. Quanh Chania rất nhiều bãi biển đẹp. Bạn chỉ cần lái xe qua, thấy vắng là a lê hấp nhảy xuống. Đây là điểm cộng của Chania so với Rethymno dù Chania không có bãi biển ngay giữa trung tâm như Rethymno.
- Ngày 7:
- Lịch trình của chúng mình: Lái xe về Rethymno để hôm sau bay từ Heraklion
- Nếu làm lại: Chúng mình sẽ bay đến sân bay Chania vì sân bay gần thành phố hơn nhiều từ Heraklion đến Rethymno và chúng mình có thể thuê xe hơi cho toàn bộ hành trình, không đi xe bus chút nào.
Các địa chỉ quán ăn ngon ở Chania mà chúng mình đã thử:
- Món hải sản: Stelias, Glossitses
- Cafe: Gregory’s
- Brunch: Ginger Concept
- Món truyền thông Crete: Mikio Taverna

Các địa chỉ quán ăn ngon ở Rethymno mà chúng mình đã thử:
- Món hải sản: Zefyros, Cavo D’oro Fish
- Món Ý có hải sản: PAGLIACCIO Ristorante
- Thịt nướng: Kandaulos
- Món truyền thống Crete: Avli rustic fine dining restaurant
- Cafe: Barrio The Neighbourhood Cafe
Tip du lịch mùa COVID – Không ít nhà hàng du lịch có view đẹp sẽ đóng cửa do quá ít khách. Đây là lúc bạn thử khám phá những nhà hàng địa phương trong những khu làng nhỏ. Đồ ăn thì tuyệt hảo và giá rất tốt.


Bữa trưa trong làng nhỏ dọc trên đảo:
- Làng Eleftherna: Một làng nhỏ có lịch sử rất thú vị. Nhà hàng cũng nhỏ, thực đơn hằng ngày như bữa cơm gia đình, ông bà chủ vô cùng thân thiện. Nhà hàng tên là Kafenio Filio.
- Green Oasis: Một khu xanh mát với những thác nước, bể cá trout và cây cối mát rượi. Chúng mình chọn nhà hàng Athivoles với món cá trout tươi sống nướng than và thịt cừu nướng than và ngồi nhâm nhi cà phê dưới thác nước.
- Làng Elos: Một làng nhỏ trên đường đi bãi biển Elafonissi. Chúng mình dừng ăn trưa ở nhà hàng Kastanofolia hoặc Paradosiako: món ăn ngon, nhân viên rất rất thân thiện. Cũng ở làng này, chúng mình mua dầu oliu và mật ong dân làng tự làm ở nhà hàng Kamáres.

Chúng mình chắc chắn sẽ trở lại Crete. Nhiều ký ức mới sẽ được vẽ nên từ hòn đảo xinh đẹp này. Mình mong một ngày Crete sẽ là điểm đến mùa Hè thơ ấu của bọn trẻ nhà mình. Nhưng đồng thời, chúng mình cũng không bao giờ quên hòn đảo của mùa Hè 2020, mùa Hè có phần buồn thảm của những người kinh doanh du lịch nhưng cũng là mùa Hè để hòn đảo được nghỉ trong giấc ngủ trưa nó hằng xứng đáng.
Mùa Hè này, hòn đảo thuộc về dân đảo và những chú mèo…
Travelling Kat
Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc về Travelling Kat. Vui lòng ghi rõ nguồn khi đăng lại.
Bạn có thể đọc các bài viết du lịch của mình trong cuốn sách “Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái”.